Cá trôi không chỉ là thức ăn mà còn là thuốc chữa bệnh trong Đông y
Có thể nói, cá trôi là thực phẩm khá quen thuộc, được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Dân gian thường có câu "Đầu cá trôi, môi cá mè" như một cách bày tỏ cảm xúc đặc biệt về những món ăn này. Cá trôi là một loại cá nước ngọt, có thịt chắc, chứa nhiều chất béo tốt. Vào những ngày nóng nực, người ta thường nấu canh chua, hấp thì là cá trôi… Khi trời thu se lạnh kéo về, những món ăn như cá trôi kho riềng, cá trôi hầm thuốc bắc… không chỉ đem lại những món ăn ngon mà còn có công dụng chữa bệnh ho, cảm lạnh, bệnh khi giao mùa cực hiệu quả.
Cá trôi là thực phẩm khá quen thuộc, được chế biến thành nhiều món ăn ngon.
Theo cựu đại tá, lương y đa khoa Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội), trong y học cổ truyền, cá trôi tính bình, vị ngọt, càn tỳ, ích khí, có tác dụng dưỡng huyết, hành khí, bình ổn gân cốt, trục thủy, lợi thấp.
Theo sách Tuệ Tĩnh, "cá trôi gọi hoàn ngư, vị ngọt tính bình không độc, tác dụng bổ dưỡng, ấm dạ dày, hòa trung, ích khí… được dùng để trị chứng tỳ khí hư ăn kém, ho đàm, đau họng, chứng hư nhược chức năng can, tỳ, thận vận hóa kém. Đó chính là lý do Đông y thường dùng cá trôi để chữa trị các trường hợp suy nhược cơ thể, mệt mỏi, mất sức, vàng da phù nề, tiểu buốt tiểu dắt.
Đông y thường dùng cá trôi để chữa trị các trường hợp suy nhược cơ thể, mệt mỏi, mất sức, vàng da phù nề, tiểu buốt tiểu dắt.
Nghiên cứu của y học hiện đại cũng cho thấy, ăn cá trôi đem lại nguồn dưỡng chất vô cùng cần thiết cho cơ thể. Theo y học hiện đại, cá trôi chứa hàm lượng các dưỡng chất thiết yếu như protein, lipid, các sinh tố A, B1, B2, các chất khoáng, Ca, P, Fe, creatin, creatin phosphat... dồi dào. Như vậy, cá trôi không chỉ là món ăn bổ dưỡng mà còn được dùng làm nguyên liệu chữa bệnh.
Món ăn, bài thuốc chữa bệnh từ cá trôi đánh bay bệnh tật trong thời gian giao mùa
Theo lương y Bùi Hồng Minh, vào tiết trời giao mùa se lạnh hiện nay, cá trôi là một thực phẩm đáng được bổ sung vào chế độ ăn để bồi bổ cơ thể, chống suy nhược cũng như các triệu chứng ho lạnh đầu mùa, viêm phế quản… Một số bài thuốc chữa bệnh từ cá trôi có thể thêm vào món ăn hàng ngày đó là:
Vào tiết trời giao mùa se lạnh hiện nay, cá trôi là một thực phẩm đáng được bổ sung vào chế độ ăn để bồi bổ cơ thể.
- Chữa suy nhược cơ thể, giúp ăn uống ngon miệng hơn: Bạn làm cá trôi kho ăn với cơm nóng. Cụ thể: Lấy 500g cá trôi làm sạch, bỏ ruột, kho cùng các nguyên liệu như nghệ tươi, hành, xả, tương, muối mắm thích hợp, kho với lửa nhỏ đến khi chín mềm là được. Món cá trôi kho ăn rất đưa cơm nhất là những ngày mưa, mát trời. Món ăn cực tốt cho người bị suy nhược, người cao tuổi, phụ nữ sau sinh sức khỏe ốm yếu…
- Chữa đau lưng, đau xương khớp, phù thũng: Dùng 500g cá trôi làm sạch đem hầm với nước thuốc sắc từ đảng sâm, bạch truật, bạch thược, bạch linh – mỗi vị 12g, cho thêm gừng và nêm nếm gia vị rồi nấu chín mềm với lửa nhỏ. Ăn khi nóng.
- Ho đàm, ngực sườn tức đầy, ói, viêm họng mạn, ăn uống kém: Cá trôi đem nấu với cải canh, đập thêm chút gừng, hành, ngò, tiêu gia vị vừa đủ rồi nấu canh ăn. Món ăn có tác dụng bổ hư, kiện tỳ phế hóa đàm.
Cá trôi ngon, bổ nhưng chuyên gia lưu ý loại cá này không dành cho người âm hư, người bị hen suyễn.
- Thấp nhiệt vàng da, viêm xoang, mũi họng, ăn kém, người mệt mỏi: Cá trôi, dứa, me, cà chua, đậu bắp, tàu mùng, giá đậu, rau ngổ, hành lá, ớt, mắm, đường, tiêu, gia vị vừa đủ nấu ăn. Món ăn giúp thanh thấp nhiệt, kiện tỳ, trừ thấp…
- Viêm xoang mũi, viêm họng họng mạn, mệt mỏi kém ăn: Cá trôi đem om với dưa cải chua, hành lá, cà chua, thì là, gia vị vừa đủ om ăn giúp thanh nhiệt, tiêu viêm.
- Bệnh nhân bị viêm gan, vàng da, phù chân, tiểu dắt: Cá trôi 1 con (khoảng 200 - 400g), xích tiểu đậu 50g, trần bì 6g, ớt đỏ sào 6g, thảo quả 6g. Cá làm sạch, cho các vị thuốc vào bụng cá, thêm gừng, hành, muối, tiêu và nước. Nấu trong khoảng 1 giờ, cho thêm hành thái lát, rau tươi, đun sôi, cho ăn khi còn nóng.
Cá trôi ngon, bổ nhưng chuyên gia lưu ý loại cá này không dành cho người âm hư, người bị hen suyễn.