Gặp họa không tưởng vì nuốt ốc sên sống
Mới đây, thông tin một người đàn ông ở Bạc Liêu chỉ vì lời thách đấu của bạn mà nuốt ốc sên sống, dẫn đến viêm màng não. Trong một lần ngồi nhậu, anh K. và bạn đã thách đố nhau nuốt ốc sên sống. Khi về nhà, anh K. nôn ói và tiêu lỏng liên tục nhiều ngày, tình trạng nguy kịch.
Sau 2 tuần nôn ói và tiêu lỏng, tình trạng tiến triển không khả quan, anh N.T.K, 26 tuổi, ngụ tỉnh Bạc Liêu được người nhà đưa đến Bệnh viện Đại học Y dược trong tình trạng sốt cao, người lừ đừ, đau nhức cơ toàn thân và táo bón lâu ngày. Các bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa, Thần kinh đã tiến hành hội chẩn, đánh giá kết quả xét nghiệm và xác định anh K mắc bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan (do nhiễm ký sinh trùng).
Một người đàn ông ở Bạc Liêu chỉ vì lời thách đấu của bạn mà nuốt ốc sên sống, dẫn đến viêm màng não.
Vào năm ngoái, bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cũng tiếp nhận và đang điều trị là bé H (8 tuổi, ngụ Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) bị viêm màng não do ăn ốc sên nướng sơ sài. Sau khi chỉ định chụp cộng hưởng từ (MRI), các bác sĩ nhận thấy não bệnh nhi bị tổn thương lan tỏa. Sau đó, các bác sĩ tiến hành chọc dịch não tuỷ và kết quả xét nghiệm cho thấy, trong hệ thần kinh trung ương của bệnh nhi có sự xâm nhập của ký sinh trùng Angiostrongylus cantonensis.
Vào năm 2013, chúng ta cũng từng một phen hú hồn khi có người ăn ốc sên sống bị sùi bọt mép. Lưu Thanh Điền, 20 tuổi, ngụ tại Tiền Giang, sùi bọt mép, hôn mê và mất luôn tri giác từ 4 tháng nay. Các bác sĩ cho hay, bệnh nhân bị một loại ký sinh trùng cư trú trong ốc gây viêm màng não. Nằm điều trị ở khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TP HCM, từ một sinh viên cao to của trường kỹ thuật, Điền trở nên xanh xao, mắt lờ đờ, không nhận ra người thân của mình. Loại ký sinh trùng có trong thịt ốc sên gây biến chứng khiến não của bệnh nhân bị tổn thương quá nặng.
Vào năm 2013, chúng ta cũng từng một phen hú hồn khi có người ăn ốc sên sống bị sùi bọt mép.
Đây chỉ là một vài trường hợp trong vô số những trường hợp báo cáo ngộ độc do ăn ốc sên sống. Vậy loại ốc này nguy hiểm thế nào? Có thực sự an toàn để ăn hay không?
Ăn ốc sên dễ bị trúng độc do nguồn gốc không đảm bảo và chế biến sai cách
Ốc sên có tên khoa học là Achatina fulica, thuộc họ ốc sên Achatinidae. Ở nước ta, có hai loại chính bao gồm loại cyclophorus (vỏ nâu tròn, có nắp) thường thấy trên núi đá và loại achatina fulica có vỏ to, màu hơi vàng nâu, miệng không có vẩy.
Loại ốc này thường sống hoang dại trên cạn và phá hoại cây cối, rau màu, hoa cỏ vào ban đêm. Ban ngày chúng lẩn kín trong các khe, bụi cây, hốc cây hoặc chui xuống đất, đặc biệt vào mùa mưa chúng phát triển rất nhanh.
Ốc sên có tên khoa học là Achatina fulica, thuộc họ ốc sên Achatinidae.
Theo nghiên cứu của y học hiện đại, 100 g thịt ốc sên có chứa 11 g đạm (cao hơn ốc vặn, ốc bươu), 6,2 g đường, 150 mg Ca, 71 mg P. Trong kinh nghiệm chữa bệnh dân gian, ốc sên có thể dùng để nấu ăn và chữa các bệnh hen suyễn, đau bụng kinh niên, thấp khớp.
Mặc dù vậy, ốc sên lại chứa chất độc nguy hiểm, có thể khiến cơ thể nhiễm ký sinh trùng, dẫn đến mắc bệnh như bệnh viêm màng não. Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), bản thân ốc sên không có độc nhưng chúng thường ăn cỏ cây, do đó, chúng có thể ăn phải nấm độc hoặc cây cỏ bị phun thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật xung quanh… Đó chính là nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc sau khi ăn ốc sên. Ngoài ra, loài nhuyễn thể này thường hay chứa các protein lạ, dễ gây dị ứng với một số người có cơ địa nhạy cảm.
"Ốc sên chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng phải chắc chắn là ăn ốc được nuôi trong môi trường đảm bảo. Một khi thức ăn cho ốc sên không đảm bảo, người ăn chắc chắn sẽ bị ngộ độc. Khi ăn ốc sên bị nhiễm ký sinh trùng, nạn nhân có nguy cơ cao bị rối loạn tiêu hóa, tổn thương gan, xuất huyết bàng quang…", chuyên gia nhận định.
Ăn ốc sên sống khiến bạn dễ bị viêm màng não.
PGS.TS Thịnh khuyến cáo, nếu mọi người muốn ăn ốc sên thì chỉ nên chọn lựa những con ốc sên khỏe mạnh, sinh sống ở những vùng sạch sẽ. Trước khi chế biến nên để ốc sên qua một ngày đêm để chúng nhả hết chất bẩn hoặc chất độc. Khi ăn ốc sên chỉ sử dụng phần thịt của ốc để nấu nướng, chế biến thành các món ăn ở dạng chín. Không ăn tái, sống. Đặc biệt cũng cần loại bỏ hết phần ruột gan, ống tiêu hóa để đảm bảo an toàn sức khỏe.
"Chúng ta không nên ăn ốc sên tái, sống vì trong ốc sên dễ có ký sinh trùng. Nếu chưa chín hẳn, ký sinh trùng không đảm bảo đã bị tiêu diệt hoàn toàn, có thể đi vào cơ thể người qua đường tiêu hóa hoặc đường máu đến não, gây bệnh viêm màng não", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo.